Các nội dung cần lưu ý khi sử dụng Hóa đơn điện tử
Đăng bởi:Le Dong Duc - 27/06/2019
I. Khởi tạo hóa đơn điện tử:
Câu hỏi 1: Doanh nghiệp có nên dùng hóa đơn điện tử?
– Sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn..)
– Giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.
– Khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy. Việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ khắc phục được tình trạng này do hệ thống lưu trữ hóa đơn điện tử được sao lưu và thường xuyên cập nhật nên khả năng mất hoàn toàn dữ liệu hóa đơn là khó xảy ra.
Câu hỏi 2: Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì khi đăng ký sử dụng Hóa đơn điện tử (HDDT) ?
Trả lời:
- Doanh nghiệp phải có phần mềm hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp có thể sử dụng hóa đơn điện tử bằng một trong hai hình thức: Tự xây dựng phần mềm hóa đơn điện tử hoặc thông qua tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử.
- Phần mềm hóa đơn điện tử hoặc tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử phải đáp ứng theo yêu cầu thông tư 32/2011/TT-BTC về điều kiện khởi tạo, phát hành, lưu trữ và sử dụng hóa đơn điện tử.
Câu hỏi 3: Để sử dụng HDDT, doanh nghiệp phải làm các thủ tục gì với cơ quan thuế?
Trả lời:
Để thực hiện hóa đơn điện tử, doanh nghiệp thực hiện:
- Quyết định áp dụng Hóa đơn điện tử (theo Mẫu số 1 của Phụ lục ban hành theo Thông tư 32/2011/TT-BTC) và gửi cơ quan thuế quản lý và được cơ quan thuế tiếp nhận.
- Thực hiện thông báo phát hành Hóa đơn điện tử theo quy định.
Câu hỏi 4: Thời hạn bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử?
Trả lời:
Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 01/01/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trong đó “…Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn.”
Khoản 4, Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP Quy định “4. Kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hết hiệu lực thi hành.”
Do đặc thù của việc kết nối dữ liệu, quy trình sử dụng hóa đơn điện tử khác phương thức giấy, doanh nghiệp nên thực hiện hóa đơn điện tử trước thời hạn nghị định 51/2010/NĐ-CP và nghị định 04/2014/NĐ-CP hết hiệu lực để đảm bảo việc kinh doanh của doanh nghiệp không bị gián đoạn.
II. Sử dụng Hóa đơn điện tử:
Câu hỏi 1: Doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau được không?
Trả lời:
Doanh nghiệp có thể sử dụng đồng thời nhiều hình thức hóa đơn khác nhau (hóa đơn tự in, đặt in, hóa đơn điện tử nhưng phải thực hiện thông báo phát hành từng hình thức hóa đơn theo quy định và mỗi lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ chỉ sử dụng một hình thức hóa đơn. Theo khoản 3, điều 7, Thông tư 32/2011/TT-BTC.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập và chưa nhận được thông báo thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo nghị định 119/2018/NĐ-CP thì Tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 119/NĐ-CP thì tiếp tục sử dụng hóa đơn theo quy định tại các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì thực hiện như các cơ sở kinh doanh nêu tại khoản 2 Điều 36.
Câu hỏi 2: Hoá đơn điện tử có mấy liên? Làm thế nào để biết hoá đơn điện tử của bên bán đã thông báo phát hành đến cơ quan thuế?
Trả lời:
HĐĐT là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Do đó, HĐĐT không phải có tên liên hoá đơn, trong ký hiệu mẫu số HĐ sử dụng ký tự “0” để thể hiện số liên HĐ. (CV 1721/TCT-DNL ngày 14/5/2014).
Để biết hoá đơn điện tử của bên bán đã thông báo phát hành đến cơ quan thuế, Doanh nghiệp vào Website tracuuhoadon.gdt.gov.vn của ngành thuế.
Câu hỏi 3: Doanh nghiệp có thể lập biên bản điều chỉnh hóa đơn dưới dạng bản giấy được không?
Đối với hóa đơn điện tử đã lập và có sai sót Công ty thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC, biên bản giữa hai bên có thể lập và ký trực tiếp (có dấu nếu là tổ chức) hoặc ký điện tử.
Câu hỏi 4: Hóa đơn đã lập và ký số có sai sót thì điều chỉnh như thế nào?
+ Trường hợp 1: Sai sót về tên, địa chỉ nhưng đúng MST.
Theo thông tư 26/2015/TT-BTC “ …các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh.”
+ Trường hợp 2: Sai sót khác (điều 9, thông tư 32/2011/TT-BTC)
“1. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn điện tử đã lập và gửi cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế, nếu phát hiện sai thì chỉ được hủy khi có sự đồng ý và xác nhận của người bán và người mua. Việc huỷ hóa đơn điện tử có hiệu lực theo đúng thời hạn do các bên tham gia đã thoả thuận. Hóa đơn điện tử đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Người bán thực hiện lập hóa đơn điện tử mới theo quy định tại Thông tư này để gửi cho người mua, trên hóa đơn điện tử mới phải có dòng chữ “hóa đơn này thay thế hóa đơn số…, ký hiệu, gửi ngày tháng năm.
2. Trường hợp hóa đơn đã lập và gửi cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điện tử điều chỉnh sai sót. Hoá đơn điện tử lập sau ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn điện tử số…, ký hiệu…
Căn cứ vào hoá đơn điện tử điều chỉnh, người bán và người mua thực hiện kê khai điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và hóa đơn hiện hành. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).
Câu hỏi 5: Hoá đơn điện tử có được lập kèm bảng kê hay không?
Trả lời:
Hoá đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện điện tử. Hóa đơn điện tử không bị giới hạn về số dòng trên hóa đơn do đó không lập kèm bảng kê.
Câu hỏi 6:Trường hợp người mua không phải đơn vị kế toán hoặc là đơn vị kế toán không ký số hóa đơn điện tử, hóa đơn có hợp lệ hay không?
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 32/2011/TT-BTC thì trên hoá đơn điện tử phải có Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán.
Công văn 2402/BTC-TCT ngày 23/02/2016 của Bộ Tài chính: Nếu có hồ sơ, chứng từ chứng minh việc cung cấp hàng hóa dịch vụ giữa người bán với người mua như: hợp đồng kinh tế, phiếu xuất kho, biên bản giao nhận hàng hóa, biên nhận thanh toán, phiếu thu,… thì người bán lập hóa đơn điện tử cho người mua, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua. Trường hợp người bán muốn đề nghị được miễn tiêu thức chữ ký điện tử của người mua trên hóa đơn điện tử thì gửi văn bản đề nghị đến CQT quản lý trực tiếp để được xem xét từng trường hợp phát sinh cụ thể.
III. Lưu trữ
Câu hỏi 1: Doanh nghiệp có thể lưu trữ hóa đơn điện tử như thế nào?
Trả lời:
Trường hợp hóa đơn điện tử được khởi tạo từ hệ thống của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử thì tổ chức trung gian này cũng phải thực hiện lưu trữ hóa đơn điện tử theo thời hạn nêu trên.
Người bán, người mua là đơn vị kế toán và tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có trách nhiệm sao lưu dữ liệu của hóa đơn điện tử ra các vật mang tin (ví dụ như: bút nhớ (đĩa flash USB); đĩa CD và DVD; đĩa cứng gắn ngoài; đĩa cứng gắn trong) hoặc thực hiện sao lưu trực tuyến để bảo vệ dữ liệu của hóa đơn điện tử.