Viettel tiên phong dẫn dắt kiến tạo xã hội số

Đăng bởi:Le Dong Duc - 12/02/2019

Hướng tới việc kiến tạo xã hội số, Viettel đã có những thành tựu nhất định về việc áp dụng công nghiệp 4.0 vào quy trình sản xuất sản phẩm cũng như có những định hướng về việc thúc đẩy ứng dụng 4.0 vào công việc, phát triển nguồn nhân lực chủ chốt cho giai đoạn thứ 4.

Về chủ đề này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Đình Chiến đã có những chia sẻ chi tiết liên quan đến khối Nghiên cứu sản xuất (NCSX) nói riêng cũng như Viettel nói chung.

Thưa anh, Viettel xác định sứ mệnh của mình là “Kiến tạo Xã hội số”. Vậy đến thời điểm này, khối NCSX đã đạt được những thành tựu gì trong công cuộc xây dựng xã hội số, góp phần đưa Viettel trở thành đơn vị tiên phong dẫn dắt trong lĩnh vực này?

Trước tiên, xã hội số là công cuộc đưa Việt Nam trở thành một xã hội hiện đại, văn minh, công bằng, dân chủ, là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa kết hợp với phát triển kinh tế tri thức của đất nước. Nhiệm vụ của xã hội số là nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo được thời gian cung cấp sản phẩm tới tay khách hàng. Và kiến tạo xã hội số là đưa những tri thức mà con người tích lũy được vào các lĩnh vực khác nhau như sản xuất, nghiên cứu, giao thông, cốt yếu để tạo ra cho xã hội năng suất lao động tốt hơn, sản phẩm tốt hơn, cuộc sống tốt hơn.

Để góp phần xây dựng xã hội số, Viettel đã thành công áp dụng các công cụ thiết kế, công cụ mô phỏng và trí tuệ nhân tạo để làm ra những sản phẩm đúng tính năng, kịp thời đáp ứng yêu cầu về chất lượng của khách hàng. Khi đã có mẫu sản phẩm, công đoạn tiếp theo là sản xuất, và minh chứng cho thành tựu về sản xuất của Viettel bao gồm dây chuyền về máy in 3D, máy cơ khí công nghệ cao được điểu khiển bằng máy tính ở Công ty Thông tin M3. Thứ hai phải kể đến dây chuyền sản xuất SMT (Surface - Mount Technology - phương pháp gắn các linh kiện điện tử trực tiếp lên bề mặt của bảng mạch in.) hiện đại nhất Đông Nam Á với công suất 160.000 linh kiện/giờ, làm ra 400.000 bộ bảng mạch SMT/năm và sản xuất 4 triệu điện thoại/năm, hiện được vận hành tại Công ty Thông tin M1.

Tiếp theo đến 2019, lĩnh vực sản xuất của Viettel sẽ áp dụng thêm nhiều công nghệ mới, đặc biệt là liên quan đến Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, Mạng lưới vạn vật kết nối Internet và Blockchain. Đây là các công nghệ điển hình của giai đoạn phát triển tiếp theo của xã hội số.

Nói về vai trò tiên phong dẫn dắt kiến tạo xã hội số, Viettel xác định phải làm được những việc khó nhất, cốt lõi nhất, làm chủ khoảng 80% công nghệ lõi, còn lại 20% là kế thừa từ nền tảng chung, tri thức chung của thế giới. Ngoài ra, nền tảng của xã hội số và cao hơn nữa là cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 là công nghệ thông tin, mạng lưới, internet, kết nối vạn vật, v.v. Và mặt trái của nền tảng này là xuất hiện rất nhiều lỗ hổng về vấn đề bảo mật thông tin, nếu thông tin không được bảo mật, xã hội số sẽ chết. Vì thế, Viettel đã tiên phong thành lập Trung tâm An ninh mạng, Trung tâm Không gian mạng đầu tiên của Việt Nam để bảo mật, mã hóa thông tin.

Là đơn vị tiên phong dẫn dắt kiến tạo xã hội số, chúng ta sẽ làm gì để thúc đẩy ứng dụng 4.0 ngay trong khối NCSX nói riêng, Viettel nói chung và cả các doanh nghiệp khác?

Viettel phải thể hiện vai trò dẫn dắt trong hai việc, đó là hiểu được nhu cầu của khách hàng và khả năng thiết kế sản phẩm phù hợp với những nhu cầu ấy. Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng phát hiện các nhu cầu”, năng lực của nó là phải cá thể hóa cho từng người, nền tảng đó cho phép mình sản xuất để đáp ứng nhu cầu cho từng người, đúng thời điểm, đúng sản phẩm. Mình phải biết ai, cần gì, vào lúc nào, đây mới là việc khó.

Viettel sẽ tập trung đầu tư nhằm nâng cao nền tảng sản xuất để có thể ứng dụng công nghiệp 4.0, giúp đáp ứng được các yêu cầu về cá thể hóa sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu về bài toán marketing để hiểu được nhu cầu của khách hàng. Quan trọng nhất là bài toán về khả năng thiết kế, đây chính là câu hỏi số 1. Để làm chủ được 80% công nghệ, đấy là cái mạnh nhất của người Viettel. Và bây giờ Viettel phải tiên phong về bài toán thiết kế để có những sản phẩm chất lượng, có trình độ công nghệ và tính năng tương đương với thế giới.

Chúng ta xác định giai đoạn thứ 4 sẽ đẩy mạnh “toàn cầu” và “xuất khẩu”, doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu Công nghiệp Công nghệ cao là trên 50%. Vậy chúng ta chọn hướng đi nào để đẩy mạnh xuất khẩu, thưa anh?

“Toàn cầu” và “xuất khẩu” nghĩa là kinh doanh. Khối NCSX sẽ có sự điều chỉnh là thành lập Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao với nhiêm vụ chính là thương mại hóa sản phẩm, đây là nhiệm vụ số 1 và sẽ được thực hiện bằng mục tiêu đẩy mạnh quá trình kinh doanh, song song với việc tiếp tục nghiên cứu công nghệ cao.

Việc đầu tiên là bán được sản phẩm thì những sản phẩm của Viettel trong lĩnh vực quân sự được Bộ Quốc phòng cho phép kinh doanh, có rất nhiều nước quan tâm, đặc biệt là các nước châu Á, Châu Phi và nhiều nước ASEAN. Tuy nhiên để bán được sản phẩm cho các nước trên sẽ còn mất nhiều thời gian do liên quan đến tình hình quân sự có tính nhạy cảm, quan hệ giữa các nước cần sự thống nhất của cấp cao.

Và yếu tố thứ hai, Viettel sẽ tập trung phát triển công nghệ 4G, làm chủ công nghệ 5G. Đây là nền tảng viễn thông, cũng là nền tảng mang tính an ninh quốc gia đối với một đất nước. Hiện nay, trên cở sở các nước khi chọn mua các sản phẩm, họ sẽ tính toán đến các vấn đề mối quan hệ đảm bảo an ninh quốc gia, nhưng Việt Nam với phương châm đối ngoại của mình rất tốt có thể đẩy mạnh được kinh doanh các sản phẩm này. Quan trọng là Viettel phải nắm bắt đúng nhu cầu khách hàng, nắm bắt thủ tục đúng quy định.

Chúng ta có nguồn nhân lực nào để giải bài toán sản phẩm quá lớn như thế thưa anh?

Để khởi động công việc như một máy thông tin sẽ chỉ cần 5 người. Radar phức tạp hơn có thể cần đến 20 người. Và hiện giờ riêng khối NCSX (vẫn đang liên tục tuyển người từ Việt Nam và nước ngoài) chúng ta hiện có 1.500 người. 1.500 người này đã tương đương với các Tập đoàn trên thế giới.

Dưới 5% những người giỏi nhất của một khóa sẽ được tuyển dụng. Cách đào tạo của chúng ta là giao việc, vậy nên chỉ sau khoảng 2 đến 3 năm, một kỹ sư mới ra trường sẽ có tiềm năng tốt để có thể thành một kỹ sư trưởng. Lúc vào họ có thể chưa biết máy thông tin là gì nhưng sau 5 năm, họ có thể sản xuất ra chiếc radar ngang tầm thế giới. Những gì chúng ta có đều sẽ dạy cho các nhân viên, huống hồ chúng ta đã đi thẳng vào chuẩn quốc tế. Đó là điều không có nước nào làm được. Khả năng của lĩnh vực này chính là đẻ ra các chuyên gia. Bài toàn nguồn lực ở đây là phải tinh, lựa chọn khắt khe hơn, chọn người có khả năng thiết kế tốt hơn nữa, chính sách và lương phải tốt hơn.

Một trong các cách đột phá là Viettel phải làm các công việc trọng tâm, kết hợp với các nguồn lực khác trong nước và thế giới. Hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các công ty StartUp, lập ra cái quỹ, công ty để đầu tư cho các StartUp, nguồn lực xã hội gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, nguồn lực này cũng có những khả năng, nghiên cứu riêng về xu hướng công nghệ 4.0. Viettel có thể kết hợp với nguồn lực này, đồng thời kết hợp với một số nhà máy đã ứng dụng tốt công nghiệp 4.0.

Xin cảm ơn anh!